Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Gởi người em gái Hội An











                  




                   





                   

               
 


                   




Những ngày mồng một của thời thơ ấu

Tác giả: Đinh-Vũ

Tôi nhớ những ngày mồng một Tết hồi mình còn nhỏ ở Hội An, trời thường se sắt lạnh vào sáng sớm. Thỉnh thoảng có mưa. Nhưng chỉ mưa một chốc rồi tạnh. Những buổi sáng đầu năm, trong lòng tôi luôn nôn nao một nỗi gì đó rất khó tả. Không phải đến sáng mồng một mới thấy nôn nao mà nỗi nôn nao này bắt đầu có trong tôi từ những ngày hăm mấy của tháng chạp năm cũ, kéo dài cho đến sáng mồng một, và kéo dài mãi cho đến hết Tết, lúc tôi đi học lại. Cũng chính nỗi nôn nao ấy làm tôi không ngủ được vào đêm Giao thừa, và sáng mồng một Tết nỗi nôn nao ấy lại bắt tôi dậy thật sớm. Tôi trèo xuống giường thật nhanh, đánh răng rửa mặt thật nhanh, đòi mẹ mặc cho bộ áo quần mới chuẩn bị từ mấy ngày trước Tết. Rồi chạy thật nhanh ra trước hiên nhà thập thò nhìn ra đường, nhìn qua nhà hàng xóm. Chỉ nhìn thôi chứ không dám chạy qua chơi như thường ngày vì mẹ đã dặn đi dặn lại là ngày mồng một, không được qua đạp đất nhà hàng xóm, cả năm lỡ người ta làm ăn không ra, người ta lại trách móc người đạp đất. Mấy đứa con nít hàng xóm cũng vậy, cũng thập thò trước hiên nhà mà không dám bước ra khỏi hiên vì sợ sẽ đạp đất nhà khác. Mẹ dặn kỹ như vậy rồi nhưng cũng có năm, anh Phong ở nhà bên cạnh chỉ vừa ngoắc tay, tôi đã chạy tót qua nhà ảnh để được ba mẹ ảnh lì xì, được mời vào phòng khách ngồi chễm chệ ăn bánh mứt, uống nước trà như người lớn. Có biết đâu đó là âm mưu của ba mẹ anh Phong muốn năm đó, tôi là đứa sẽ đạp đất nhà ảnh, vì thằng nhỏ tôi lúc đó lanh lẹ, có khuôn mặt hiền lành, dễ thương, chắc sẽ mang lộc vào nhà ảnh suốt cả năm.

Khoảng bảy giờ sáng, cả nhà tụ tập đông đủ ở bàn ăn cho bữa điểm tâm đầu năm. Bữa ăn đầu năm thường có bánh chưng hay bánh tét chiên, ăn với dưa món và thịt heo dầm nước mắm. Có khi có thêm bánh tráng nhúng nước cuốn với rau sống Trà Quế mẹ mua từ chiều ba mươi Tết để dành sẵn. Nếu có thêm nữa thì ba sẽ cho lột vài gói trưởi để ba với ông ngoại làm đồ nhắm cho ly rượu khai vị ngày đầu năm. Ở Hội An ngày xưa, mấy gia đình cùng xóm thường chung nhau mua nguyên một con heo để ba mươi Tết mổ thịt, chia cho mỗi nhà một phần con heo ăn Tết. Gia đình nào chủ trì sẽ được chia nguyên cái đầu heo, cái đầu heo này sau đó được luộc chín để cúng tất niên. Cúng tất niên xong, tất nhiên không có gia đình nào có thể ăn hết cái đầu heo luộc, nên phần còn lại của cái đầu heo sẽ được chế biến thành món trưởi bằng cách xắt thịt thành từng sợi, ướp gia vị gồm nước mắm, bột ngọt, thêm tiêu, tỏi và riềng cũng xắt sợi li ti, gói lại thành từng gói nhỏ bằng lá chuối, phía trong cùng là lớp lá ổi già cho thơm, treo ở nơi khô ráo trong nhà. Trưởi được dùng như một món đồ nhắm ngày Tết, có để để dành hơn một tuần nếu trời không nóng. Khác với món nem được gói bằng thịt sống, trưởi được gói bằng thịt heo đầu đã luộc chín nên có thể ăn ngay từ lúc gói cho đến khi trưởi chua dần lên. Không chỉ để người lớn nhậu, trưởi còn là món khoái khẩu của con nít chúng tôi nên hầu như năm nào nhà có gói trưởi, món trưởi cũng là món hết sạch trước khi có thể bắt đầu chua.

Ăn sáng xong, cả nhà ra phòng khách, ăn bánh mứt, uống trà và chúc Tết lẫn nhau. Lúc đó, tôi là đứa bé nhất nhà, tôi lần lượt khoanh tay chúc Tết ông bà ngoại, chúc Tết ba mẹ, chúc Tết mấy dì mấy cậu. Cứ mỗi lần chúc xong một người, tôi sẽ được người đó ôm vào lòng, hôn một cái lên má, được chúc ngoan ngoãn, học giỏi và được tặng cho một phong bao lì xì màu đỏ trong đó có những tờ tiền mới keng không một nếp gấp. Hồi còn nhỏ, tụi con nít chúng tôi thường đọ với nhau xem đứa nào có nhiều phong bao lì xì hơn, được nhiều tờ tiền mới hơn chứ không biết giá trị đồng tiền nhiều hay ít. Tiền lì xì sau Tết tôi dồn lại đưa cho mẹ, mẹ xuống chợ phố Hội An mua một con heo bằng đất nung làm ở làng gốm Cẩm Hà để tôi lần lượt nhét từng tờ tiền mới được lì xì vào khe hở trên lưng con heo đất với niềm sung sướng vô biên. Suốt cả năm, con heo bằng đất nung như một người bạn chí cốt, ban ngày tôi đặt con heo trên bàn học ngắm nghía, tối tôi ôm con heo vô giường ngủ, ai cho đồng nào tôi nhét hết vào con heo đất để dành. Để khi sắp Tết sang năm, mẹ đập con heo đất bể tan, lấy tiền mua áo quần mới, mua sách vở cho tôi.

Sáng mồng một, chúc Tết xong, cả gia đình tôi sẽ mặc áo quần mới, chở nhau bằng xe đạp ra nghĩa trang, thắp nhang ở mộ ông bà và những người thân đã qua đời. Ngày Tết cũng là ngày ba mẹ dắt tôi đến từng ngôi mộ người thân, giảng giải cho tôi biết người nằm dưới mộ là ai, quan hệ ruột rà như thế nào với gia đình mình. Lúc đó tôi chẳng nhớ mấy, vì mãi ngắm theo màu nắng Tết, những vạt áo màu mới tinh khôi và khói nhang lãng đãng như sương… Lúc đó, tôi chỉ mong ba mẹ thắp nhang thật nhanh để còn chở tôi về, đưa tôi đi chơi Tết.

Những ngày Tết bây giờ, cũng mỗi sáng mồng một Tết, sau khi chúc Tết gia đình, tôi lại đưa vợ con ra nghĩa trang, dắt con tôi đi loanh quanh thắp nhang ở từng ngôi mộ, trả lời cho con tôi cặn kẽ về những người đã khuất nằm dưới mộ.

Như là một sự tiếp nối.

Ba mẹ tôi giờ đã già yếu lắm rồi. Con tôi rồi sẽ lớn lên. Tôi rồi cũng sẽ đến ngày như ba mẹ bây giờ. Thời gian vốn dĩ vô tình, không chờ đợi một ai. Những gì đã qua chẳng thể nào quay trở lại được.

Cho nên mới biết nâng niu những ngày Tết sum vầy, mới thấy thiết tha những khoảnh khắc đầm ấm bên ba mẹ, anh em, bạn bè.

Và biết quý từ phút giây mình sống.

2 nhận xét: